Phía tây quả đồi hình bát úp là khu rừng cao su của anh Hồ Văn Minh. Hôm chúng tôi đến,ỉLàngVạcNghệAnÀoàođiđàocổvậtóc nam 2022 mảng đồi này đã bị đào bới loang lổ như những hố bom. Một số cây cao su 10 năm tuổi bị đào bật cả gốc, ngã chỏng chơ. Cách chân đồi cỡ vài trăm mét là một cái lán, có gần chục người đang túc trực. Đó là lán của công an lập từ đầu tháng 4 để trú ngụ bao gồm cả công an huyện, xã, bảo vệ Nông trường Đông Hiếu để ngăn chặn người dân vào khu đồi bới tìm cổ vật.
Khu vực này chính là địa chỉ mà vào tháng 10 năm ngoái, có tin đồn rằng một người dân đã tình cờ đào được cặp tượng cổ, sau đó đem bán tại Hà Nội với giá hàng trăm triệu đồng. Tin này lập tức loang ra khiến mỗi ngày lượng người kéo đến một đông. Người ta dùng cuốc, xẻng để đào lớp đất bề mặt, rồi dùng dao nhọn khoét đất thành hầm kiểu hàm ếch để tìm đồ cổ. Thời điểm rộ nhất bắt đầu từ đầu tháng 3 và kéo dài cho đến nay khi ngày càng nhiều tin đồn rằng nhiều người đã đào được cổ vật quý. Một công an viên trực tại đây cho biết có ngày trên 400 người kéo vào để "khai quật". Khu rừng cao su của 3 hộ dân bỗng chốc bị bới lật lên nham nhở.
Hôm nay, khu đồi khá vắng vẻ. Chỉ có một nhóm người đàn ông đứng phía ngoài đường tranh thủ khoét đất. Một người đàn ông trong nhóm giải thích: "Bữa ni công an làm mạnh quá, bọn tui không dám vô". Tưởng là người tìm mua cổ vật, một người tên Hải tỏ ra tiếc nuối cho chúng tôi: "Mấy chú đến muộn quá, cách đây tuần lễ, bọn tui mới bán cặp hươu bằng đồng còn rất đẹp. Ban đầu người ta trả 70 triệu, tưởng bị hớ, ba anh em tui mang ra Hà Nội lại bán được có 52 triệu". Rồi anh này mách nước: "Bây giờ xuống dưới làng hỏi nhà anh Đ., đang có một cặp vòng đá. Nghe nói bữa trước nó còn đào được cái mặt quỷ, không còn đẹp lắm nhưng nó chưa bán. Thử xuống đó coi!".
Khu di chỉ khảo cổ Làng Vạc đã được Bộ VHTT cấp bằng và xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 1999. Theo GS Hoàng Xuân Chinh, Viện Khảo cổ học VN trong "Tầm vóc Làng Vạc - một trung tâm văn hóa lớn trên lưu vực sông Cả" thì tại khu di chỉ này đã có tổng cộng 5 đợt khai quật, lần gần đây nhất là năm 1991, phát hiện được tổng cộng 347 ngôi mộ, 1.228 hiện vật, trong đó đồ đồng là 665 chiếc. Làng Vạc là khu mộ táng lớn nhất, có mật độ cao nhất trong văn hóa Đông Sơn. |
Đôi mắt thâm quầng vì mất ngủ, ông Sơn, công an viên của xã mệt mỏi lắc đầu: "Gần cả tháng ni phải liên tục túc trực cả ngày lẫn đêm ở đây. Anh em mệt mỏi lắm rồi, nhưng không dám lơ là vì hở cái là dân kéo vô ngay. Trước đây, ban ngày 12 người trực ở đây có cả công an huyện mà cũng không đuổi được dân. Ba bữa ni chúng tôi phải mạnh tay họ mới sợ, nhưng ban đêm, từ 23h đêm họ lại lũ lượt đèn đuốc kéo đến. Chúng tôi đuổi thì họ chạy, nhưng quay lên lán là họ lại theo sau lưng đào tiếp. Thậm chí họ còn dùng đá ném trả lại. Họ bới cho đến sáng. Sáng ra lại có lớp khác đến thay thế".
Năm 1999, nạn đào bới cổ vật cũng đã rộ lên tại đây. Người dân "khai quật" trên khu đồi rộng 3ha này (đất do Nông trường Đông Hiếu quản lý) và đã lấy đi khá nhiều hiện vật có giá trị. Trước nguy cơ khu di chỉ bị vét sạch hiện vật, chính quyền địa phương đã mất rất nhiều công sức mới chặn được. Hai năm sau, người dân lại vác cuốc, xẻng vào. Thế nhưng, theo lời ông chủ tịch xã thì so với những lần trước, hiện nay tình hình phức tạp hơn rất nhiều, người dân đã đào gần 1.000 cái hố để tìm cổ vật. Huyện vừa ra chỉ thị ngăn chặn việc đào bới trái phép di chỉ, phổ biến đến tận nhà dân. Chính quyền xã cũng đã "nát óc" nghĩ cách để bảo vệ khu di chỉ, trong đó nhiều lần tổ chức họp dân, nhưng họp xong, về nhà họ lại vác xẻng đi!
Những hiện vật trong khu di chỉ này vẫn đang nằm trong nguy cơ bị đe dọa đánh cắp từng ngày.
Khánh Hoan